Chung sức chung lòng

Dự báo sâu bệnh tuần từ 14-20/7

Chuột tiếp tục gây hại trên mạ, lúa mới gieo và lúa đứng cái làm đòng; đặc biệt, trên các khu ruộng mới gieo, gần gò bãi, mương máng, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ.



1. Các tỉnh phía Bắc

a) Trên mạ, lúa

- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non tiếp tục phát sinh, gia tăng mật độ, gây hại trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng chủ yếu tại các tỉnh Bắc Trung bộ. Cần điều tra khoanh vùng, xử lý kịp thời diện tích có mật độ sâu quá cao; không khuyến cáo phun thuốc sớm, tràn lan để trách bộc phát rầy và sâu cuốn lá giai đoạn sau.

- Chuột tiếp tục gây hại trên mạ, lúa mới gieo và lúa đứng cái làm đòng; đặc biệt, trên các khu ruộng mới gieo, gần gò bãi, mương máng, nhất là các tỉnh Bắc Trung bộ. Tiếp tục thực hiện vệ sinh đồng ruộng, tổ chức đồng loạt ra quân diệt chuột trước và đầu vụ sản xuất.

Dùng nilon bao quanh ruộng để ngăn chuột hại lúa

- Rầy nâu, rầy lưng trắng: Tiếp tục tích lũy mật độ và gia tăng nhanh trên lúa đòng - trỗ tại Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Cần theo dõi và phòng trừ nơi có ấy độ cao.

- Ngoài ra, theo dõi và phòng trừ sâu đục thân 2 chấm trên mạ; bệnh sọc đen; châu chấu, sâu keo, ốc bươu vàng trên lúa trên lúa non.

b) Trên mía

- Bệnh chồi cỏ tiếp tục gây hại trên ruộng mía bị nhiễm bệnh, hại nặng những ruộng chưa được tiêu hủy hoặc tiêu hủy chưa triệt để.

Cần hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp: Vệ sinh đồng ruộng, tiêu huỷ cây bị bệnh tại những vườn mía bị bệnh, tăng cường chăm sóc, phòng trừ các loại dịch hại đúng quy trình kỹ thuật.

2. Các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên

a) Trên lúa

- Lúa xuân hè, hè thu sớm đòng trỗ - chắc xanh: Sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh lem lép thối hạt... phát sinh gây hại nhẹ.

- Lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh, đứng cái: Bọ trĩ, sâu keo, dòi đục nõn, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ... rải rác hại nhẹ.

- Chuột: Hại cục bộ lúa hè thu, tập trung vùng ven làng, đồi gò.

b) Trên cây trồng khác

- Bệnh gỉ sắt, bệnh khô cành, rệp... tiếp tục hại trên cà phê ở Tây Nguyên.

- Tuyến trùng rễ, bệnh vàng lá, thối rễ, rệp sáp gốc, bệnh thán thư... hại tiêu chủ yếu ở Tây Nguyên giai đoạn chắc quả - thu hoạch.

3. Các tỉnh phía Nam

- Rầy nâu trên đồng phổ biến tuổi 4 - 5. Tuy nhiên trà lúa giai đoạn đòng trỗ có thể có nhiều lứa rầy gối nhau, nếu phòng trừ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây lúa.

- Điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, cổ bông tiếp tục phát triển và có thể gia tăng tỷ lệ nhiễm trên trà lúa đẻ nhánh, đòng trỗ. Hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên phát hiện kịp thời, phòng trị bệnh sớm để đạt hiệu quả cao.

- Bệnh bạc lá (cháy bìa lá) có khả năng phát triển mạnh trên các trà lúa ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đến trỗ, trong điều kiện thời tiết có mưa giông nhiều hoặc những nơi lúa bón thừa phân đạm; đặc biệt trên các giống nhiễm nặng như Jasmine, VD 20, C10, OM 2517... Cần theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện bệnh và phòng trị kịp thời.

Ngoài ra, cần lưu ý sâu cuốn lá nhỏ, bệnh lem lép hạt trên lúa hè thu giai đoạn đẻ nhánh, trỗ chín.